Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chưa có cơ sở để nói condotel thừa hay thiếu tuy nhiên có tình trạng tăng trưởng quá “nóng” ở một số địa phương.
Tại một cuộc hội thảo về đầu tư condotel (viết tắt của Condo & Hotel có ý nghĩa là khách sạn căn hộ hay căn hộ khách sạn) được tổ chức vào chiều 16/3, nhiều chuyên gia và nhà quản lý lo ngại tình trạng bùng nổ, phá vỡ quy hoạch dẫn đến dư cung của loại hình bất động sản này. Nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng, do lượng khách du lịch liên tục tăng cao nên nhu cầu về condotel ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Câu hỏi thừa hay thiếu loại hình bất động sản này nhận được quan tâm của nhiều người.
Cả nước thì thiếu nhưng có địa phương thì thừa
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, vẫn chưa đủ cơ sở để nói condotel thừa hay thiếu. Trên phạm vi cả nước, số lượng chưa phải là quá nhiều, chưa phải dư thừa.
Nhưng tại một số địa phương, loại hình căn hộ khách sạn lại tăng trưởng quá “nóng”, không đồng điệu với lượng khách đến. Ông Tuấn lấy ví dụ về việc bùng nổ condotel nóng nhất hiện nay tại Đà Nẵng. Năm 2017, Đà Nẵng đã đón 6,5 triệu khách du lịch trong khi tổng lượng phòng lưu trú khách sạn là 30.000 phòng, trong đó có 8.000 phòng xếp hàng 4-5 sao.
Tổng cục Du lịch lo ngại Đà Nẵng sẽ dư thừa condotel trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hiếu
Bên cạnh đó, ông dẫn thêm ví dụ các địa phương thừa “cung” có Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). 4 năm gần đây, loại hình căn hộ này tại Phú Quốc đang bùng nổ lên đến 10.000 căn. Trong tương lai ngắn, khi lượng khách đến Phú Quốc không nhiều như kỳ vọng, dư thừa dễ xảy ra. Còn ở Nha Trang, trung tâm rất thiếu các phòng khách sạn cho khách du lịch nhưng khu vực Bãi Dài, Cam Ranh lại gia tăng mạnh mẽ, dễ dẫn đến dư thừa. “Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có thêm 13.000-15.000 phòng căn hộ khách sạn. Điều này đòi hỏi Đà Nẵng phải tăng gấp đôi lượng khách vào năm 2020 so với 2017, tức là khoảng 13 triệu lượt. Đây là con số không thể do liên quan đến nhiều vấn đề như xúc tiến du lịch, cơ sở hạ tầng, sức chứa của điểm đến… Vì vậy, nếu không điều tiết, việc thừa condotel ở Đà Nẵng là điều rất dễ xảy ra”, ông Tuấn lo ngại.
Do vậy, ông Tuấn cho rằng cần có chiến lược, quy hoạch, nếu không sẽ dẫn đến một số địa phương dư thừa. Dù ủng hộ cần phải có quy hoạch với loại hình bất động sản được mệnh danh là “đứa con lai”. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, cần có quy hoạch một cách mềm mại, uyển chuyển, có thể điều chỉnh theo nhu cầu.
Theo ông Nam, quy hoạch dựa trên nhu cầu, quy hoạch phải tạo ra nhu cầu. Một số địa phương trước kia chưa có condotel thì du lịch chưa phát triển, nhưng khi có thì du lịch tăng vượt bậc. Ngoài ra, cũng cần căn cứ vào số lượng khác, chẳng hạn như khách đến Việt Nam vào năm 2017 đã gần bằng quy hoạch vào năm 2025.
Luật đặc khu sẽ nhắc đến condotel
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phải đặt vấn đề sao doanh nghiệp vẫn lách luật để có hướng xây dựng pháp lý phù hợp. Theo ông Võ, cần sửa đổi luật theo hướng đáp ứng yêu cầu kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó, thu hút nguồn lực đầu tư vào loại hình này.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Lách pháp luật hiện hành là có thể lách được, song câu hỏi lớn hơn đặt ra là vì sao chúng ta phải lách? Quy hoạch chúng ta cũng lấp lửng, giao đất một phần là đất ở, thay vì toàn bộ đều là đất ở. Vậy làm gì để không phải lách? Đó là đất để làm du lịch nghỉ dưỡng thì giao đất cho họ theo 50 năm hay 70 năm, hoặc nhà đầu tư đề xuất giao là đất ở để họ chuyển nhượng cho các khách hàng. UBND tỉnh nên cho phép điều này vì có thể đó sẽ phù hợp cho tương lai”.
Luật đặc khu sắp được Quốc hội xem xét thông qua sẽ nhắc đến condotel. Ảnh: Lê Hiếu
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang sửa Luật Đất đai, Bộ Xây dựng đang sửa nhiều luật liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản, cũng sẽ nghiên cứu và bước đầu đưa vào các nội dung về loại hình căn hộ khách sạn. Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận, chờ luật về condotel thì còn khá lâu, vì vậy cần những giải pháp trước mắt và cả lâu dài. Trước mắt, Bộ TN&MT cần phối hợp với các bộ khác nghiên cứu kỹ, sớm ban hành thông tư về cấp giấy chứng nhận cho loại hình nhà ở này, để người mua bán yên tâm khi giao dịch. Về giải pháp lâu dài, trong dự thảo Luật về các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt có nhắc đến condotel. Nên nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 5, condotel sẽ chính thức được thừa nhận và đó sẽ là căn cứ pháp lý đáng chú ý.